CHUẨN NĂNG LỰC CƠ BẢN CỦA DƯỢC SỸ VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số:4815/QĐ-BYT ngày 15 tháng 10 năm 2019)
Phần I: GIỚI THIỆU CHUNG
1. Mở đầu
Trong những năm gần đây số lượng các cơ sở đào tạo nhân lực dược trình độ đại học ngày càng
gia tăng, bao gồm các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập. Tuy nhiên, về chương trình
đào tạo, cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng đầu vào của sinh viên và đặc biệt là
cách thức triển khai chương trình đào tạo, năng lực tổ chức đào tạo, phương thức lượng giá, đánh giá
người học của mỗi cơ sở là có sự khác biệt. Vì vậy, chất lượng sản phẩm đào tạo, chất lượng hành nghề
của dược sỹ sau khi ra trường cũng khác nhau. Để có một mốc chuẩn cho các cơ sở đào tạo có căn cứ
hướng tới việc đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp, nhu cầu xã hội; người học có cơ sở để phấn đấu
hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu công việc; các đơn vị sử dụng nhân lực dược có căn cứ đánh giá,
kiểm soát, xây dựng đội ngũ nhân lực cũng như xây dựng cơ cấu, chế độ lương thưởng phù hợp thì cần
có chuẩn năng lực cơ bản dành cho Dược sỹ ở Việt Nam.
Mặt khác, trước nhu cầu hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng, các nhà quản lý, người sử dụng
lao động cần phải có một bộ công cụ để kiểm soát, đánh giá, chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực.
Nhận thức được thực tế đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng Chuẩn năng lực cơ bản của Dược sỹ
Việt Nam với sự tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo,
người tuyển dụng, sử dụng lao động, nhà quản lý, nhà chuyên môn, các tổ chức xã hội.
Trong quá trình xây dựng, Ban soạn thảo đã tham khảo chuẩn năng lực của Dược sỹ các nước
trong khu vực và trên thế giới để điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, đồng thời, cũng
hướng tới sự hội nhập thị trường lao động nhân lực dược của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Có nhiều cách tiếp cận và hiểu khác nhau về năng lực. Theo cách tiếp cận truyền thống, năng
lực là khả năng đơn lẻ của một cá nhân, được hình thành dựa trên cơ sở kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Còn theo Nguyễn Quang Uẩn, năng lực là tổng hợp những thuộc tính độc đáo của cá nhân phù hợp với
những yêu cầu đặc trung của một hoạt động nhất định, nhằm đảm bảo việc hoàn thành có kết quả tốt
của hoạt động ấy. Nhà tâm lý học người Pháp Denyse Tremblay cho rằng năng lực là khả năng hành
động, đạt được thành công và chứng minh sự tiến bộ nhờ vào khả năng huy động và sử dụng hiệu quả
nguồn lực tích hợp của cá nhân khi giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Hoặc mới đây, trong tài liệu
hội thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong chương trình của Bộ giáo dục và Đào tạo đã
giải thích “Năng lực là sự huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính cá nhân khác như
hứng thú, niềm tin, ý chí… để thực hiện một loại công việc trong bối cảnh nhất định”. Như vậy có thể
nói năng lực (Competence) là tổng hợp những thuộc tính của cá nhân con người, đáp ứng những yêu
cầu của hoạt động và đảm bảo cho hoạt động đạt được những kết quả cao.
Khung năng lực: là hệ thống cụ thể hóa các hành vi cần thiết của năng lực ở các bậc khác nhau,
áp dụng với các vị trí khác nhau trong doanh nghiệp, tổ chức để hoàn thành tốt vai trò/công việc.
Chuẩn năng lực (Competency standard): là những mức trình độ, khả năng đáp ứng được nhu
cầu công việc thực tế, được công nhận qua đánh giá, kiểm định theo những chuẩn năng lực nghề
nghiệp.
Năng lực nghề nghiệp (professional competency): là sự phù hợp giữa những thuộc tính tâm
sinh lý của con người với những yêu cầu do nghề nghiệp đặt ra. Ở mỗi một nghề nghiệp khác nhau sẽ
có những yêu cầu cụ thể khác nhau, nhưng tóm lại năng lực nghề nghiệp được cấu thành bởi 3 thành tố:
kiến thức chuyên môn, kỹ năng và trách nhiệm, thái độ hành nghề chuyên nghiệp.
Năng lực và năng lực nghề nghiệp đều không có sẵn mà được hình thành và phát triển liên tục
qua học tập, lao động tích cực và thực hành chuyên môn. Năng lực có hai đặc trưng cơ bản: i) Được